ĐỘI NHÓM HIỆU SUẤT CAO: LỰA CHỌN NHÂN SỰ - PHẦN 1: Ai sẽ là mảnh ghép hoàn hảo cho đội nhóm của bạn?

Trong hành trình xây dựng một đội nhóm hiệu suất cao, chọn đúng nhân sự là bước quan trọng quyết định thành công hay thất bại của nhóm. Điều này đòi hỏi sự phân tích kỹ lưỡng và đánh giá khách quan về hiệu suất làm việc và mức độ phù hợp văn hóa của mỗi cá nhân.

Tại sao lại là hai yếu tố ấy?

Hiệu suất làm việc: Hiệu suất làm việc cung cấp một phép đo đáng tin cậy về khả năng một cá nhân đạt được kết quả trong công việc của họ. Đây là yếu tố quan trọng không chỉ trong việc đạt được mục tiêu kinh doanh mà còn trong việc duy trì tiêu chuẩn chất lượng và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng.

Mức độ phù hợp văn hóa: Phù hợp văn hoá không chỉ cần chia sẻ giá trị và tầm nhìn của tổ chức, mà còn cần làm việc hiệu quả trong môi trường và với đội ngũ hiện tại. Một nhân sự dù rất có năng lực, nhưng nếu không phù hợp với văn hoá tổ chức, thì có thể không đóng góp hết mức hoặc thậm chí gây ra xung đột không cần thiết.

Kết hợp hai yếu tố này trong quá trình đánh giá nhân sự giúp đảm bảo rằng những người được chọn không chỉ đạt được mục tiêu công việc mà còn thúc đẩy và tăng cường văn hoá công ty. Việc cân nhắc cả hai yếu tố cũng giúp ngăn chặn việc tuyển dụng dựa trên kết quả ngắn hạn mà bỏ qua lợi ích lâu dài của sự phù hợp văn hoá, tạo ra một môi trường làm việc ổn định và hợp tác, nơi mọi nhân viên đều có thể phát triển và đóng góp tốt nhất.

Vậy sau khi đánh giá xong rồi thì chúng ta làm gì? Và làm thế nào để sử dụng kết quả đánh giá ấy một cách hiệu quả?

Ma trận Văn hóa - Hiệu suất: Đánh giá và Hành động

A. Trọng dụng, để Gắn bó: Đây là nhóm nhân sự vàng của tổ chức - những người không chỉ có kết quả công việc xuất sắc mà còn phản ánh và tôn trọng văn hóa doanh nghiệp. Đối với nhóm này, nên trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng, để họ tiếp tục gắn bó và đóng góp cho sự phát triển lâu dài của tổ chức. Hãy tưởng tượng một nhân viên đam mê công việc, luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ và đặt mục tiêu chung lên trên hết - đó là hình ảnh của một thành viên ở ô A.

B. Đào tạo, để Nâng trình: Đối với những người phù hợp với văn hóa nhưng hiệu suất chưa cao, nên đầu tư vào việc đào tạo để nâng cao trình độ cho họ, từ đó cải thiện hiệu suất làm việc trong tương lai.

C. Uốn nắn, để Phù hợp: Khi một cá nhân có hiệu suất cao nhưng chưa thực sự phản ánh giá trị văn hóa của doanh nghiệp thì cần phải có sự điều chỉnh. Có thể thông qua các cuộc đối thoại, đánh giá định kỳ, hoặc chương trình huấn luyện để uốn nắn họ trở nên phù hợp hơn.

D. Thôi đuổi, đừng Theo đuổi: Cuối cùng, đối với những cá nhân Hai không (vừa không hiệu quả, vừa không phù hợp với văn hóa), lựa chọn khôn ngoan nhất là không tiếp tục hợp tác. Đây là quyết định khó khăn nhưng cần thiết để bảo vệ nguồn lực và năng lượng của đội nhóm.

Vậy, bạn sẽ làm gì nếu nhận ra rằng nhóm của mình cần phải thực hiện những thay đổi căn bản để đạt được hiệu suất cao? Bạn sẽ đào tạo, điều chỉnh hay thậm chí là thôi việc với một số thành viên? Đây là những câu hỏi không chỉ đòi hỏi sự dũng cảm để đưa ra quyết định mà còn cần sự tinh tế trong quản lý.

Minh là một lập trình viên có kỹ năng cao nhưng thường xuyên xung đột với đồng nghiệp. Anh ấy rơi vào ô C của ma trận. Dù hiệu suất làm việc cá nhân cao, nhưng anh không chia sẻ hoặc hỗ trợ đồng đội, làm ảnh hưởng đến tinh thần chung của nhóm. Trong trường hợp này, việc uốn nắn để Minh thấu hiểu và phù hợp với văn hoá công ty là cần thiết, thông qua việc tham gia các buổi workshop về làm việc nhóm và giải quyết xung đột.

Troussier là một HLV bóng đá được đào tạo bài bản, lịch thiệp và hoà nhã trong giao tiếp, văn minh trong hành xử (hơn hẳn nhiều HLV tiền nhiệm). Ông cũng chú trọng đến sự phát triển đội ngũ cho tương lai, hướng đến một lối chơi và tầm nhìn dài hạn hơn. Tuy vậy, ông không có khả năng đạt được kết quả ngắn hạn. Đội tuyển, dưới sự dẫn dắt của ông, liên tục gặp hết thất bại này để bất lợi khác. Không chỉ là ở kết quả thi đấu mà còn ở cả lối chơi. Đừng tưởng ông rơi vào ô B của ma trận mà là ô D vì kỳ vọng và văn hoá của quần chúng khác với của cá nhân ông.

Bây giờ hãy tự hỏi, trong đội nhóm của bạn, ai là người rơi vào ô A cần được trọng dụng, ai cần đào tạo nâng trình ở ô B, ai cần uốn nắn ở ô C và liệu có ai ở ô D cần phải cân nhắc lại việc hợp tác không? Sự chuyển động trong ma trận này không chỉ phản ánh tình trạng hiện tại mà còn hướng tới tương lai - một đội ngũ mạnh mẽ, hiệu suất cao và hòa nhập sâu sắc với văn hóa tổ chức.

Nhìn nhận đúng đắn và quản lý kỹ lưỡng nhân sự sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa của hiệu suất cao và sự thành công bền vững. Hãy đặt câu hỏi đúng và hành động khôn ngoan để đội nhóm của bạn không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn thịnh vượng lâu dài.

ITBizors

ITBizors

Manager